1. Vai trò nước sạch đối với con người
Nước chiếm 60 – 70% trọng lượng cơ thể và là dung môi của hầu hết các chất chuyển hóa dưới dạng hòa tan trong nước, nước còn tham gia vào nhiều phản ứng hóa học trong cơ thể, tham gia bài tiết các chất độc ra khỏi cơ thể qua con đường nước tiểu, mồ hôi. Nước giúp điều hòa thân nhiệt, làm giảm độ quánh của máu, giúp cho quá trình tuần hoàn dễ dàng hơn. Nước rất cần thiết nhưng nguồn nước không phải là vô tận.
Vai trò của nước đối với sự sống nói chung là như vậy, còn với con người thì: Con người sẽ chết nếu không có nước uống. Con người cũng không thể thực hiện các sinh hoạt hàng ngày như giặt giũ, tắm rửa… nếu không có nước. Tất cả mọi hoạt động lao động sản xuất của con người nếu không có nước cũng sẽ phải dừng lại.
Nước sạch đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe và cuộc sống của con người. Nước sạch giúp cho con người duy trì cuộc sống hàng ngày bởi con người sử dụng nước sạch để cung cấp cho các nhu cầu ăn uống, hoặc sử dụng cho các hoạt động sinh hoạt như tắm rửa, giặt giũ, rửa rau, vo gạo… Để thỏa mãn các nhu cầu vệ sinh cá nhân và sinh hoạt, mỗi người cần tới khoảng 120 lít nước/ngày. Nếu sử dụng nước không sạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, vì nước là môi trường trung gian chuyển tải các chất hóa học và các loại vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng gây bệnh mà mắt thường không nhìn thấy được.
2. Khái niệm về nước sạch
Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người (viết tắt là nước sạch).
3. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước
Môi trường là tập hợp tất cả các điều kiện, hiện tượng tự nhiên như: đất, nước, không khí, thế giới động vật và thực vật. Môi trường có mối quan hệ mật thiết qua lại với sức khỏe con người. Khi môi trường bị ô nhiễm như: ô nhiễm nước, không khí, đất, thực phẩm và các ô nhiễm khác sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực cho lao động, sản xuất, đời sống và đặc biệt là sức khỏe con người.
Hình ảnh ô nhiễm nguồn nước do rác thải ven sông
Ô nhiễm môi trường nước là hiện tượng nguồn nước (bao gồm cả nước mặt và nước ngầm) bị nhiễm bẩn, thay đổi thành phần và chất lượng theo chiều hướng xấu, trong nước có các chất độc hại ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe con người và hệ sinh vật.
Biểu hiện ô nhiễm môi trường nước thường thấy nhất là nước có màu lạ (màu vàng, màu đen, màu nâu đỏ,…), mùi lạ (mùi tanh hôi, thối nồng nặc, mùi thum thủm,…) và xuất hiện váng, nổi bọt khí, có nhiều sinh vật sống trong nước bị chết.
4. Các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước
Có rất nhiều loại tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Chúng có mặt trong nước thải sinh hoạt, nước thải từ các khu công nghiệp, bệnh viện, các bãi rác thải. Đó là:
– Vi sinh vật (Vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc);
– Rác vô cơ (rác không tiêu hủy được bao gồm: Bao bì nhựa, nilon, thủy tinh, mảnh sành sứ, kim loại, vỏ đồ hộp, …);
– Rác hữu cơ (rác có thể tiêu hủy được như: Thức ăn thừa, lá bánh, rau quả, rơm rạ, xác súc vật, giấy loại,…). Đây là thủ phạm gây nên hàng loạt dịch bệnh nguy hiểm cho con người.
Trong cuộc sống hàng ngày, việc quan tâm đến nước sạch và công tác vệ sinh môi trường để phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, các bệnh về da là một yếu tố rất quan trọng bởi vệ sinh môi trường gắn liền với cuộc sống của con người. Tình trạng mắc các bệnh nguy hiểm liên quan đến nguồn nước ô nhiễm ngày càng tăng lên. Một số căn bệnh điển hình chúng ta dễ mắc phải khi sử dụng nguồn nước không sạch như:
* Các bệnh đường tiêu hóa: Với các bệnh thường gặp như: Tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy, viêm gan A, bại liệt, … thường do ăn uống phải những thực phẩm hay nước uống bị nhiễm khuẩn có từ trong phân người.
Bệnh truyền từ người này sang người khác và có thể lây thành dịch đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của cộng đồng, đặc biệt là trẻ em.
* Bệnh giun sán:
Theo tổ thức Y tế thế giới (WHO) có đến 75% người Việt Nam mắc bệnh giun sán, trong số đó trẻ em chiếm tỷ lệ từ 70 – 90%.
* Các bệnh do muỗi truyền:
Những bệnh do muỗi truyền thường thấy là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản, Zika, …. Các bệnh này dễ lây lan và có thể bùng phát thành dịch lớn.
* Các bệnh về mắt, ngoài da, bệnh phụ khoa:
Một số bệnh ngoài da thường gặp như nấm kẽ chân, ghẻ, viêm nang lông, nước ăn chân (do nấm ký sinh gây ra), chốc lở, mẩn ngứa, hắc lào, nấm, lang ben, chàm, ….
Đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ, …là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh.
5. Các giải pháp bảo vệ nguồn nước
* Giữ sạch nguồn nước
Vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng phải giữ sạch nguồn nước bằng cách:
– Không vứt rác bừa bãi;
– Không phóng uế bừa bãi;
– Không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch;
– Không dùng phân tươi làm phân bón, sử dụng thuốc trừ sâu đúng hướng dẫn.
– Cần hạn chế tối đa việc sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước.
* Tiết kiệm nước sạch
– Giảm lãng phí khi sử dụng nước vào các sinh hoạt như không lạm dụng việc xả bồn cầu trong nhà vệ sinh, hãy tắt vòi nước khi đang đánh răng;
– Kiểm tra, bảo trì cải tạo lại đường ống, bể chứa nước để chống thất thoát nước;
– Dùng lại nguồn nước bể bơi, nước mưa vào những việc thích hợp như cọ rửa sân, tưới cây, …
* Xử lý phân thải
Cần thu gom phân thải với hố ủ vệ sinh hợp lý tránh tình trạng xả tràn lan trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm, làm nhiễm bẩn nguồn nước.
* Xử lý rác sinh hoạt và chất thải khác
Cần có phương tiện chứa rác có nắp đậy kín, đủ sức chứa nhất là rác hữu cơ ở gia đình, khu tập thể cũng như nơi công cộng, đồng thời có biện pháp xử lý hợp vệ sinh không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
* Xử lý nước thải
Cần có hệ thống xử lý nước thải trong sinh hoạt (cống ngầm kín) rồi đổ ra hệ thống cống chung, đồng ruộng hoặc sông rạch sau khi đã được xử lý.
* Vệ sinh môi trường
Thường xuyên vệ sinh nhà ở, vệ sinh chuồng trại, khu dân cư, thu gom và xử lý phân, nước tiểu, diệt ruồi, muỗi, gián, chuột ở nhà cũng như nơi công cộng. Người dân vùng lũ lụt, sau khi nước rút, phải nhanh chóng khử trùng nguồn nước bằng Cloramin để phòng dịch bệnh. Không được đập phá đường ống dẫn nước tránh các tác nhân gây bệnh xâm nhập vào nước sinh hoạt.
Bảo vệ môi trường sống để phát triển bền vững phải luôn được thực hiện bằng việc bảo đảm nguồn nước sạch và làm tốt vệ sinh môi trường.
Ngày nay, với tốc độ phát triển của con người, nguồn nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm. Việc cung cấp nước sạch và đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe con người. Bảo đảm nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường sẽ góp phần khống chế được 80% bệnh tật.